Lan hồ điệp – Kỹ thuật trồng và chăm sóc trong chậu

Lan hồ điệp là quốc hoa của Indonesia. Nó có một thân ngắn, lá xanh bóng dài 50cm rộng khoảng 10 cm thay đổi từ hình thuôn đến hình elip ở phần gốc và nhọn ở phần đỉnh. Hoa sặc sỡ, có màng, màu trắng, hình môi, có 3 thùy các vết chai có màu vàng hoặc đỏ tùy thuộc vào từng cây. Cây thường cho hoa từ mùa xuân đến mùa hè với bông hoa có đường kính lên đến 10 cm. 

Kinh nghiệm thực tế chăm sóc lan hồ điệp

Lan hồ điệp rất phù hợp để sinh trưởng và phát triển tốt ở khí hậu nước ta. Chúng cần đủ độ ẩm, nhiệt độ và ánh sáng (tránh ánh sáng trực tiếp). Thông thường lan hồ điệp được dùng để chưng trong nhà vì đặc tính hoa tươi rất lâu, màu sắc đa dạng. Một cành có thể có  tới 20 bông hoa và sau 2 đến 3 tuần mới tàn.

Ánh sáng

Tránh tuyệt đối nắng (mưa) trực tiếp vào cây. Lan hồ điệp ưa sáng nhưng không thể chịu được ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào cây, kể cả nắng xiên buổi sáng hay buổi chiều. Nắng chiếu trực tiếp có thể gây bỏng lá, cháy lá trong một thời gian ngắn.

Nếu có nắng chiếu trực tiếp thì nên che một lớp lưới (loại lưới che dùng cho phong lan). Cây có chịu được mưa nhưng phải có thời gian thích nghi từ từ và chế độ chăm sóc phức tạp hơn.

Chăm sóc lan hồ điệp sai cách
Một ví dụ về thiếu kinh nghiệm chăm sóc lan hồ điệp

Nhiệt độ và độ ẩm

Lan hồ điệp phát triển tốt ở nhiệt độ dao động từ 25 đến 30 độ C. Nhiệt độ càng cao, nhu cầu về độ ẩm của cây càng lớn. Đối với tất cả các loại lan, độ ẩm và nhiệt độ càng cao thì càng cần có luồng không khí luân chuyển để ngăn không cho cây thối rễ và nấm bệnh.

Lan hồ điệp ưa ẩm nhưng không ưa ướt. Cây ưa thích sống trong môi trường độ ẩm xung quanh cao (tiểu khí hậu) nhưng bộ rễ cây lại không chịu được ngập úng (ướt). Bộ rễ luôn luôn ướt sẽ gây thối rễ. Biểu hiện rõ nhất là lá vàng, rụng từ lá gốc rụng lên.

Chậu trồng

Chậu trồng nên dùng chậu đất nung đường kính từ 15 đến 20 cm. Nên chọn loại chậu có nhiều lỗ thoáng xung quanh.

Giá thể trồng

Có nhiều loại giá thể để trồng lan hồ điệp nhưng tốt nhất nên dùng vỏ thông cỡ nhỏ (loại bằng ngón tay trỏ). Vỏ thông là giá thể đơn giản nhất để trồng lan hồ điệp.

Tưới nước cho lan hồ điệp

Kết quả sau 5 tháng trồng là những cái chậu mà không còn cây nào sống
Kết quả sau 5 tháng trồng chỉ còn lại những cái chậu

Cũng giống như cây hồng rễ trần, không có công thức chung là tưới bao nhiêu lần trong ngày. Còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh và độ ẩm trong chậu. Tưới nước bao nhiêu là đủ? Cái này bạn phải tự cảm nhận thôi.

Nếu giá thể trồng là vỏ thông thì ngày tưới nước 1 lần là đủ. Những đợt mưa kéo dài nhiều ngày hoặc đợt nồm kiểu (tường chảy nước) cũng không nên tưới cho cây. Nên tưới vào buổi sáng, không tưới buổi chiều muộn. Không để nước đọng trên lá qua đêm.

Phân bón cho lan hồ điệp

Nên dùng phân tan chậm loại của Nhật hoặc Đài Loan. Nên để phân xa gốc cây, tránh rắc phân trực tiếp vào đầu rễ. Lượng phân không cần nhiều (ví dụ loại phân chì Nhật Bản chỉ cần rắc vài chục hạt sát thành chậu là được). Hạn chế sử dụng phân hữu cơ nếu bạn không thực sự xử lý tốt vấn đề nấm bệnh.

Nhân giống lan hồ điệp

Lan hồ điệp được nhân giống bằng hạt, nhưng kĩ thuật này yêu cầu khắt khe và tốn thời gian. Sau mỗi mùa hoa cây sẽ mọc thêm những chồi mới được gọi là keiki.

Đây là những cây con bản sao giống hệt cây mẹ và thường xuyên xuất hiện ở các cành hoa cũ. Sau khi keiki được khoảng một năm, bạn nên tách nó ra khỏi cây mẹ và cho nó vào chậu riêng.

Các loại lan hồ điệp phổ biến

Ở nước ta có khoảng 60 loài lan hồ điệp thuần chủng. Những loài này được lai tạo ra hàng ngàn giống lan khác, từ phong lan bướm cổ điển cứng cáp đến những dòng lan đột biến, lan màu hồng kẹo. Các giống lai mới được phát triển không ngừng.

Côn trùng gây hại ở lan hồ điệp

Tương tự như ở cây hoa tử đằng, rễ và lá hồ điệp là món ưa thích của các loại ốc sên, sâu róm, gián, chuột và các loại côn trùng chích hút khác. Bạn nên để ý tiêu diệt các loại động vật côn trùng gây hại này. Mối nguy hại này tưởng bình thường nhưng đôi khi gây thiệt hại rất lớn. Giống như một mẩu tàn thuốc lá có thể gây nên một đám cháy rừng.

Lời chia sẻ thật lòng

Trồng cây gì, nuôi con gì thì bạn cũng cần siêng năng một tí. Thường xuyên để ý chăm sóc cây để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Siêng ở đây không có nghĩa là suốt ngày cầm vòi tưới, nay thuốc này mai phân kia. Điều đó chỉ làm cây nhanh chết hơn mà thôi.

Mình thấy có bạn yêu cây quá mà ngày tưới 3 lần thậm chí 5 lần trong khi đó cả năm chả bưng cho chồng được cốc nước. Dành 1 lần tưới cây thôi, 2 lần còn lại nên rót nước cho người mình thương….Cuộc sống hẳn sẽ rất khác đấy.

Theo: Ngọc Ánh

5/5 - (2 bình chọn)

Bài viết liên quan

Không có bình luận cho bài viết này

Thêm bình luận