Cẩm tú cầu là loài hoa đẹp, được xem là biểu tượng nổi tiếng của xứ hoa Đà Lạt. Với màu sắc biến hóa diệu kỳ từ xanh đến hồng, trắng đến tím… Loài hoa này thường được ưa chuộng làm hoa cưới, hoa trang trí nội thất… Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ lá, hoa đến nụ của tú cầu đều chứa đầy chất độc có thể gây tử vong cho người.
Cẩm tú cầu còn có nhiều tên gọi ngọt ngào khác như dương tú cầu, tử dương… Loài hoa này có nguồn gốc từ Châu Á, mọc nhiều ở Đông Á (từ Nhật Bản đến Trung Quốc), Nam Á, Đông Nam Á (Hymalaya, Indonesia) và Châu Mỹ…
Màu của hoa có thể “biến hóa như tắc kè”
Tại Việt Nam, Cẩm tú cầu được trồng nhiều nhất tại Đà Lạt, Sapa. Loài hoa này có lá rất to, được phủ một lớp lông hơi ráp. Hoa của chúng được kết hợp từ nhiều bông hoa nhỏ nhắn, tạo thành từng chùm lớn rất đẹp. Màu sắc của tử dương thay đổi từ màu hồng trắng, tím phớt, xanh dương, xanh cốm… Hiện nay, trên thị trường thị trường có nhiều giống hoa tú cầu với đa dạng màu sắc và kích thước khác nhau. Còn ở Việt Nam phổ biến nhất là cẩm tú cầu đổi màu từ trắng, xanh dương nhạt, tím hồng, hồng, xanh lục nhạt… Hoa có thể đổi màu trong quá trình từ lúc đơm nụ đến khi tàn, tạo nên những dải màu đặc sắc, bắt mắt.
Cẩm tú cầu đổi màu hoàn toàn là tự nhiên không có can thiệp của hóa chất nhân tạo. Màu hoa phụ thuộc vào độ pH của đất.
- Đất chua có độ pH <7 hoa sẽ có màu lam.
- Đất có độ pH>7, hoa màu hồng hoặc tím.
- Đất có độ pH = 7, hoa có màu trắng tinh khiết.
Mỗi màu sắc của hoa mang một ý nghĩa, thông điệp gửi gắm riêng. Do vậy mà ngày nay người trồng đã can thiệp vào việc làm thay đổi màu sắc hoa theo ý muốn. Nếu chôn đinh gỉ vào gốc cây hoặc bón clorua sắt cây sẽ cho hoa màu lam. Ngoài ra, để hoa có màu lam đậm và sáng hơn thì chôn nhôm clorua (AICI3), magie clorua (MgCI2). Còn nếu bạn thích màu hồng thì chỉ cần cần bón vào đất một ít vôi bột là được.
Có thể bạn quan tâm
Hoa hồng leo “siêu to khổng lồ” - nữ hoàng trong ngôi nhà của bạn
Lúc mới đơm nụ, chùm hoa có màu trắng hoặc xanh/hồng rất nhạt, sau biến dần thành màu lam hay màu hồng. Chính vì sự “thay lòng” này nên ý nghĩa của Cẩm tú cầu còn có nghĩa là sự đổi thay, phản bội, không chung thủy… Nhưng bất chấp những ý nghĩa không mấy hay này, loài hoa này vẫn xuất hiện rất nhiều trong các bó hoa cưới, trang trí sảnh tiệc…
Cẩm tú cầu với những cánh hoa mong manh, đan xen vào nhau tạo nên từng “khối cầu” tròn viên mãn. Do đó nhiều người cho rằng cũng giống như hoa mộc lan, loài hoa này là biểu tượng của sự đoàn kết, chân thành, lòng biết ơn, hiếu thảo và hướng về gia đình…
Kỹ thuật chăm sóc hoa cẩm tú cầu sai hoa
Thời gian tưới nước
Hoa cẩm tú cầu ưa đất ẩm và thoát nước tốt, khi trồng trong chậu đất mặt hầu như luôn bị khô đặc biệt vào mùa hè. Vậy nên cần tưới nước 2 lần mỗi ngày để đảm đất luôn đủ độ ẩm để cây phát triển thích hợp.
Cách bón phân
Thời gian thích hợp để bón phân cho hoa cẩm tú là vào mùa đông và sau mỗi vụ hoa nở. Bón vào mùa đông nhằm giúp có đủ lượng dinh dưỡng nhằm phát triển chồi lá vào mùa xuân để hoa nở nở đẹp. Từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2 bón phân dạng giải phóng chậm, đào hố và lấp.
Bạn cũng có thể sử dụng phân bón đặc hiệu dành cho hoa cẩm tú cầu với mỗi màu hoa riêng biệt.
Phân bón sau khi ra hoa là phân bón cho mầm phát triển. Khoảng một tháng sau khi hoa tàn bón phân chuồng đã ủ mục hoặc phân hóa học dạng giải phóng chậm. Hoặc bạn cũng có thể bón phân dạng dung dịch 10 ngày 1 lần cho cây.
Khi hoa nở
Đặc điểm của hoa cẩm tú cầu là không nở bung hết các cánh nên rất khó để phân biệt được bông nào đã nở rộ hay chưa. Dù trông vẫn đẹp nhưng nếu bông không nở rộ thì vụ sau cành đó sẽ không cho hoa nữa. Khi một bông đã nở hoàn toàn và bắt đầu tàn thì bạn nên cắt bỏ nó đi. Nhằm giúp cây dưỡng sức cho vụ hoa tiếp theo.
Có thể bạn quan tâm
Độc dược trong hoa đỗ quyên – cái chết đầy ma mị
Thời gian và phương pháp thay chậu
Hoa cẩm tú cầu trồng chậu hay bị tắc rễ vì vậy cứ 2 đến 3 năm cần sang chậu một lần, thời gian thay chậu thích hợp là từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm.
Phương pháp thay chậu:
Bước 1: Cắt toàn bộ hoa đã tàn và cành già cỗi, sâu bệnh.
Bước 2: Chuẩn bị đất và chậu
Chuẩn bị chậu có kích thước lớn, lót một tấm lưới dưới đáy chậu, lót thêm một lớp đá, trộn đều các loại đất (đất thịt, phân hữu cơ, xơ dừa, xỉ than …)
Bước 3: Lột bầu: Lấy cây con ra khỏi chậu, cắt tỉa bầu rễ, lưu ý dụng cắt phải bén và vô khuẩn.
Bước 4: Trồng cây
Cho một ít đất vào chậu mới (đất cao đến khoảng 40% độ sâu của chậu), đặt cây con vào và lấp đất đến 80% chậu, dùng que nén để đất chặt hơn, giúp cây phát triển tốt.
Bước 5: Tưới nước: Tưới ngập nước 1 lần cho đến khi nước chảy ra từ đáy châu, nhằm giúp ổn định bộ rễ trong bầu đất.
Cắt tỉa hoa cẩm tú cầu khi nào và như thế nào?
Điều quan trọng nhất khi trồng hoa cẩm tú cầu là “tỉa cành sau khi hoa nở.” Cành đã cho hoa năm nay thì năm sau chúng sẽ không cho hoa, vì vậy cần cắt tỉa cành để cây đâm chồi mới.
Phương pháp cắt tỉa
Ở mỗi cành nên để lại từ một đến hai mắt lá, cần cắt bỏ hoàn toàn cành đã già hoặc sâu bệnh. Thời điểm thích hợp để cắt tỉa cành là vào mùa đông, sau khi bón phân.
Sâu bệnh hại ở cây cẩm tú cầu
Trái ngược với cây hoa giấy, cây hoa cẩm tú cầu tương đối nhiều sâu bệnh hại. Sau đây là các bệnh thường gặp:
Bệnh mốc xám
Do một loại vi khuẩn có tên là Botrytis cinerea gây ra, làm cho hoa và lá chuyển sang màu nâu, mốc xám, mọc dày đặc, thường gặp ở những nơi không thông thoáng, ẩm ướt. Vệ sinh không gian xung quanh được thông thoáng, cắt bỏ ngay phần bị bệnh để tránh lây nhiễm sang cành xung quanh.
Thán thư
Do nấm sợi thán thư gây ra, xung quanh tâm xuất hiện nhiều đốm nhỏ màu xám, tím và nâu sẫm. Biện pháp phun thuốc đặc trị kết hợp cắt cành để xử lý.
Phấn trắng
Do nấm phấn trắng gây ra, dấu hiệu cây bị nấm mốc như bột trắng rắc trên lá và thân. Đây là bệnh thường xuất hiện ở nơi có độ ẩm cao.
Có thể bạn quan tâm
10 cách chữa sâu róm đốt cho trẻ hết ngứa nhanh
Bọ nhện
Các loại côn trùng hút nhựa cây ẩn nấp ở mặt sau của lá. Lá bị mất màu thành đốm trắng, thậm chí bị héo. Vì ấu trùng nhện ưa khô ở nhiệt độ cao, nên đặc biệt chú ý vào mùa hè. Phun thuốc đặc trị vào mặt sau của lá ở giai đoạn đầu của mầm bệnh.
Cẩm tú cầu có thể gây chết người
Theo bác sĩ Trần Văn Năm, lá và nụ hoa Cẩm tú cầu có chứa chất Hydragin nhiều nhất. Nếu ăn phải thì người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, mệt mỏi, khó thở. Nếu ăn với lượng lớn sẽ dẫn đến hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu. Tương truyền, nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập đã từng ép người hầu tự tử bằng loài hoa này.
Vì thế, khi đi du lịch tới những nơi trồng nhiều loài hoa này. Phụ huynh nên nhắc nhở trẻ, cẩn thận các bé ăn phải nhé. Trẻ em thường rất hiếu kỳ, yêu thích sự khám phá. Việc trang bị kiến thức cho bé, giúp các em tự bảo vệ bản thân mình, cho dù không có bố mẹ bên cạnh.
Cẩm tú cầu còn có thể gây viêm da, ngứa da với những người có cơ địa dễ dị ứng. Đặc biệt là khi chạm tay trần vào cây, lá, hoa. Nguyên nhân là những hạt phấn nhỏ của loài hoa này sẽ phát tán ra tiếp xúc với da người. Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo nếu bạn quá yêu thích loài hoa này, nên đặc biệt chú ý không nên chạm vào hoa, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, sức đề kháng còn yếu. Chỉ nên cầm hoa khi chúng được gói, bọc lại kín đáo.
Hiện độc tố từ Cẩm tú cầu chưa có thuốc giải đặc trị. Loại độc này nếu tiếp xúc với lượng ít sẽ không gây tử vong, chỉ gây các triệu chứng ngộ độc, tiêu chảy, nôn ói, tê lưỡi, dị ứng, sưng phồng… Nhưng nếu với liều lượng nhiều hơn sẽ khiến nạn nhân tử vong. Do đó, mọi người nên hết sức thận trọng.
Cẩm tú cầu là loài hoa rất đẹp và mang lại vô số ý nghĩa tốt lành. Chỉ cần chú ý một chút khi thưởng thức hoa. Bạn vẫn có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của chúng mà không lo sợ ảnh hưởng sức khỏe của mình. Kỹ thuật trồng hoa tú cầu cũng rất đơn giản, không tốn nhiều công sức và thời gian. Vì thế, hãy “phủ xanh” hàng rào nhà bạn ngay hôm nay với vẻ đẹp thơ mộng của loài hoa này nhé!
Theo: Ngọc Ánh